Lào Cai có món ngon gì? Là tỉnh vùng cao, địa hình phức tạp nhưng lại được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều “của ngon vật lạ”. Vậy nên, hôm nay bạn hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu về ẩm thực Lào Cai và xem đặc sản Lào Cai là gì mà lại được nhiều du khách yêu thích đến vậy nhé!
Đặc sản Lào Cai – Ngon hay không ngon?
Ẩm thực Lào Cai rất phong phú và đa dạng, pha trộn giữa nhiều văn hoá dân tộc nên mỗi vùng sẽ có một nét văn hoá ẩm thực đặc trưng riêng. Nhưng nhìn chung, các món ăn vẫn được chú trọng về hương vị đến từ tự nhiên. Trong đó không thể không kể đến các gia vị như mắc khén, hạt dổi, hoa hồi, hoa quế,…
Hỏi đặc sản Lào Cai ngon hay không ngon thì còn tùy vào cảm nhận của mỗi người. Phần lớn du khách sau khi được thưởng thức thì đều đánh giá cao về chất lượng của các món ăn nơi đây. Nhờ lợi thế tự nhiên, nguồn thực phẩm tươi, sạch và đảm bảo. Khi chế biến, đầu bếp sẽ chú trọng hơn vào hương vị chính của nguyên liệu. Phối hợp với cách nấu đơn giản nhưng vẫn đảm bảo món ăn thơm ngon khó cưỡng.
Đặc sản Lào Cai có thể làm quà
Nếu bạn đang đắn đo chưa biết nên mua gì về làm quà sau chuyến du lịch Lào Cai thì hãy lưu ngay những món được gợi ý dưới đây vào nhé.
Nấm hương rừng
Nấm hương là một trong những loại đặc sản quý hiếm nổi tiếng tại Lào Cai. Điểm đặc biệt của loại nấm này chính là hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Nhìn vẻ bề ngoài thì nấm hương ở Lào Cai có vẻ không khác gì so với các vùng khác. Nhưng trên thực tế, đây đều là những cây nấm mọc sâu trong những khu rừng già của Lào Cai. Hương vị nấm tự nhiên, thơm ngọt, đậm vị rất khác biệt. Hiện tại, giá nấm hương rừng sẽ giao động từ 300.000 – 500.000đ/kg.
Mận Tam Hoa
Mận Tam Hoa là đặc sản nổi danh vùng Bắc Hà. Loại mận này có vị chua ngọt, khi cắn sẽ giòn tan, mọng nước. Mận chín thường có màu đỏ sậm đẹp mắt, quả to tròn cầm rất chắc tay. Loại mận này thường chỉ sinh trưởng ở những nơi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Do đó, cứ đến mùa mận chín là các thương lái ở khắp nơi lại đổ về đưa mận về miền xuôi để bán. Thường vào mùa, giá mận sẽ rất cao nên nếu có dịp bạn hãy đến vườn mận Bắc Hà để được hái mận và thưởng thức mận trực tiếp tại vườn nhé.
Mùa mận thường bắt đầu từ tháng 5 – tháng 7, muốn hái mận thì bạn nên đi vào thời điểm này. Bên cạnh mận thì còn có đào và mơ cũng rất được yêu thích. Tuy nhiên đào rất dễ bị sâu bên trong nên khá khó để mang đi xa.
Thịt trâu gác bếp
Nhắc đến đặc sản Lào Cai thì sao có thể bỏ lỡ một món ngon nổi tiếng trứ danh như thịt trâu gác bếp được. Nổi tiếng 4 phương, gần như du khách nào ghé thăm Lào Cai cũng phải thưởng thức và mua về làm quà.
Thịt trâu gác bếp có cách làm khá đơn giản, chỉ cần ướp thịt rồi đem hun trên khói bếp đến khi thịt khô ráo nước là được. Thế nhưng, thứ quyết định độ ngon ở món ăn này lại nằm ở công thức ướp bí truyền và bàn tay người ướp. Thịt phải chọn loại tươi ngon, mới mổ từ lò. Sau khi lấy về, đem thịt ướp với muối, mắc khén và hạt dổi, để ngấm vài giờ rồi mới xâu thịt và đem treo lên gác bếp.
Trước kia, trâu gác bếp là cách thức để người dân bảo quản thịt và cũng là món ăn thường thấy khi đến tết. Do nhà không có tủ lạnh, hun khói là cách tốt nhất để trữ lương thực. Mãi đến khi du lịch phát triển thì món ăn này mới được nhiều người biết đến và trở nên nổi tiếng hơn.
Măng rừng
Măng là loại sản vật tự nhiên, mọc nhiều ở vùng đồi núi. Tại Lào Cai, có 2 loại măng rừng phổ biến chính là măng sặt và măng vầu. Măng sặt mọc nhiều vào khoảng tháng 2 – tháng 3 dương lịch. Loại măng này có thân nhỏ, họ tre, khi bóc ra thân trắng nõn, hương vị giòn sật, thơm ngon. Để chế biến loại măng này thì càng đơn giản càng tốt, măng sau khi thu hoạch sẽ được bóc vỏ, rửa sạch rồi đem nướng, xào, nấu canh hoặc kho. Măng mới còn vương mùi đất rừng nên chế biến càng sớm càng ngon.
Khác với măng sặt, măng vầu có kích thước lớn, thân măng cũng dày thịt hơn. Măng vầu là búp non của cây vầu thuộc họ tre. Loại măng này được chia ra làm 2 loại là măng ngọt và măng đắng. Măng ngọt là những búp non còn nằm dưới lòng đất, măng đắng là măng đã nhú. Độ đắng thường phụ thuộc nhiều vào chiều cao của măng, càng nhú cao thì vị the đắng càng đậm. Cách chế biến măng vầu cũng khá đơn giản, ngon và tươi nhất có lẽ là đem luộc rồi chấm với mẻ chưng. Còn không thì sẽ xào tía tô, xào thịt khô hoặc nấu canh. Để bảo quản măng lâu hơn, người dân sẽ muối chua hoặc luộc rồi đem măng đi phơi để làm măng khô dùng trong các dịp lễ tết.
Rượu ngô Bắc Hà
Để chọn một món quà quý tặng bạn bè và người thân thì chẳng gì tốt hơn một bình rượu ngô thơm nồng. Rượu ngô Bắc Hà được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên và chế biến theo phương pháp thủ công của người bản địa. Ngô để nấu rượu phải là loại ngô nếp vàng, hạt mẩy căng tròn, tuy sản lượng không cao nhưng lại có hương thơm đậm vị. Loại men để nấu rượu cũng được làm tự nhiên từ cây hồng mi. Nhờ đó mà thành phẩm rượu cho ra sẽ có hương thơm nồng, vị êm say, dù uống nhiều cũng sẽ không lo bị đau đầu.
Những món ăn ngon thưởng thức ngay tại Lào Cai
Đặc sản Lào Cai thì nhiều vô số kể, muốn thưởng thức hết các món ngon nơi đây thì bạn phải dành ra một chuyến đi thật dài. Dưới đây là một số món ăn đặc trưng mà bạn nhất định không thể bỏ lỡ khi đến với núi rừng Tây Bắc.
Thắng cố ngựa
Khi nhắc đến đặc sản Lào Cai thì khó có thể bỏ qua một món ăn ngon như thắng cố ngựa. Đây là món ăn truyền thống của người H’mông, được nấu từ thịt ngựa, lòng ngựa và các loại gia vị đặc trưng riêng của Tây Bắc.
Để nấu thắng cố ngựa thì cần chọn nguồn thịt tươi ngon và chọn đúng loại gia vị thêm vào. Do chủ yếu được nấu từ các vị cay nóng như xả, ớt, quế, hồi nên ăn món này hợp nhất là vào tiết trời đông lạnh giá.
Để ăn được thắng cố ngựa ngon và chuẩn vị nhất thì bạn nên đến huyện Bắc Hà. Nơi đây có các phiên chợ vùng cao, nơi người dân tộc H’mông tập trung buôn bán và có món thắng cố ngựa truyền thống, thơm ngon đậm vị núi rừng.
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách hay lợn bản là món đặc sản rất nổi tiếng tại Lào Cai. Không giống với lợn ở các vùng khác, loại lợn này chỉ nặng từ 10 – 15kg nên có thể dễ dàng “cắp nách” và bị trộm mất. Vậy nên, đó chính là lý do mà tên gọi lợn cắp nách được ra đời.
Lợn cắp nách tuy nhỏ nhưng lại được nuôi thả tự nhiên, thức ăn chính của chúng là các loại rau dại, rau rừng. Bởi thế nên thịt lợn rất chắc và thơm ngọt. Khi chế biến, da giòn, mỡ mỏng, thịt mềm mọng, quả thật thơm ngon khó cưỡng.
Tới Lào Cai du lịch, bạn có thể tới các nhà hàng và gọi mẹt lợn bản để được thưởng thức món ăn này với nhiều cách nấu khác nhau. Thường thì thịt lợn sẽ được nướng, hấp, quay hoặc xào. Khi thịt chín sẽ được dùng kèm với các loại rau rừng và nước chấm từ mắc khén, hạt dổi.
Gà đen Tây Bắc
Gà đen Tây Bắc hay gà tơ là một món ăn được cả du khách lẫn người dân bản địa đều vô cùng yêu thích. Gà có lớp da đen bóng, dài giòn sần sật, thịt mềm mọng nước, ngọt thơm đặc trưng. Loại gà này có nhiều ở Sapa và Bắc Hà và có giá nhỉnh hơn các loại gà thông thường.
Khi ăn, gà đen thường được chế biến thành nhiều món như gà nướng, luộc, hầm hoặc lẩu. Ngon nhất vẫn là gà nướng mật ong, nướng tiêu xanh hoặc luộc. Tới Sapa, bạn có thể ghé các nhà hàng và gọi mẹt gà đen Tây Bắc để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn này. Còn du khách nào thích trải nghiệm thì hãy đến chợ phiên Bắc Hà và thử món gà luộc đơn giản nhưng cực kỳ thơm ngon nhé.
Cá hồi, cá tầm Sapa
Cá hồi và cá tầm là 2 món ăn nổi tiếng đến mức bạn đi bất kỳ nhà hàng nào trên Sapa cũng sẽ có. Sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nguồn cá trong tỉnh có thể coi là tự cung tự cấp hoàn toàn.
Thịt cá hồi Sapa có màu đỏ cam nhạt, vị thịt tươi ngọt, béo ngậy. Khi thưởng thức, có thể dùng gỏi, lẩu hoặc nướng. Tuy nhiên ngon nhất vẫn là ăn gỏi với các loại rau sống, vị cá được giữ tự nhiên, thơm ngon mà không tanh. Ngoài ra, bạn có thể chọn cá hồi sốt chanh dây, cá hồi nướng hoặc cá hồi bỏ lò phô mai nếu thích ăn món chín.
Thịt cá tầm có màu hồng nhạt, vân vàng, khi ăn thịt dai và béo, sụn mềm sần sật rất dễ ăn. Với loại cá này thì nấu lẩu là ngon nhất, cá có xương sụn mềm nhai được nên không lo bị hóc, thích hợp dùng khi có cả trẻ nhỏ.
Thịt gừng của người Nùng Dín
Thịt gừng là món ăn truyền thống trong mâm cơm của người Nùng Dín. Món ăn này thường được làm nhiều vào dịp tết, người dân sẽ tận dụng phần xương ống, xương sườn, thủ lợn để chế biến. Phần xương và gừng sẽ được băm nhỏ và trộn lẫn với nhau, sau đó kết hợp thêm rượu và muối. Hỗn hợp được trộn đều, đem cất vào chum, đậy nắp, bọc kín để ủ. Khi ăn, lấy ra đem hấp hoặc xào, thêm tiêu ớt là đã có món ăn cực kỳ thơm ngon để thưởng thức rồi.
Trên bản đồ đặc sản Lào Cai có rất nhiều món ngon mà bạn chưa biết tới. Nếu muốn tìm hiểu và khám phá thêm những điều thú vị về ẩm thực Tây Bắc, bạn đừng quên theo dõi và cập nhật thêm các bài viết mới nhất của chúng mình nhé!