Thanh Hoá gần đây cũng trở thành một điểm đến mới mẻ, thu hút được nhiều du khách ghé thăm. Ngoài việc khám phá các địa danh tham quan thì việc dạo quanh phố phường, thưởng thức những món ăn đặc sản của người địa phương cũng là điều mà du khách thích thú, nhất là đối với các bạn trẻ. Vậy bạn đã biết là nên ăn món nào chưa, nếu chưa thì hãy cùng Gody điểm qua những món ăn vặt Thanh Hóa siêu ngon, hấp dẫn trong bài viết sau đây nhé.
Nem chua
Nếu hỏi món ăn vặt Thanh Hoá nào nổi tiếng nhất thì có lẽ nem chua luôn có mặt trong list danh sách đó. Nem chua Thanh Hóa có vị lạ, rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi của Huế, và lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Hương vị của nem chua Thanh Hoá vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn của gia vị và vị ngọt từ thịt khiến ta không thể ngừng ăn vì rất bắt miệng. Nguyên liệu của nem chua gồm có bì lợn (da heo) thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo và nêm nếm các loại gia vị đặc trưng, sau đó gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ. Để tạo ra một chiếc nem chua ngon đúng chuẩn Thanh Hoá thì cần phải có bí quyết gia truyền riêng. Từ những chiếc nem chua truyền thống thì người dân Thanh Hoá cũng biến tấu thêm nhiều loại và cách thưởng thức khác nhau.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Quán nem chua Cây Đa: 326 Trường Thi, Điện Biên, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 07:00 – 22:00
- Quán nem chua Hoa Thông: 13 Ngọc Dao, Đông Vệ, Thanh Hoá. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 07:00 – 22:00
- Quán nem chua Bà Lan: 22 Hàng Than, Lam Sơn, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 06:00 – 22:30
Chè lam
Với hương vị thơm ngon, giòn giòn lạ miệng và tan ngay trên đầu lưỡi, chè lam của Thanh Hóa khiến cho bất kỳ ai ăn một lần cũng chẳng thể quên. Bởi thế nên chè lam từ lâu đã trở thành một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng xứ Thanh. Không giống với chè lam thông thường ở những nơi khác, miếng chè lam Thanh Hóa tuy rắn nhưng lại giòn tan. Bạn chỉ cần lấy tay vỗ nhẹ là sẽ vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Tất nhiên để có thể chế biến ra món chè lam như thế thì cũng cần một quá trình công phu, tỉ mỉ. Miếng chè lam Thanh Hoá có màu nâu nhạt, có hoa trắng do lạc (đậu phộng) tạo nên và mang vị dẻo thơm của gạo nếp, vị bùi của lạc, vị cay dịu của gừng, vị ngọt đậm của mật mía. Khi chè lam đã nguội thì thường được gói vào lá chuối khô cho vào chum hoặc vại sành để bảo quản, còn ngày nay sẽ đóng gói bằng túi nilon.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Làng nghề Phù Quảng: thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
- Các cửa hàng bán đặc sản ở thành phố Thanh Hoá
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa hay còn có tên gọi khác là bánh tẻ, bánh lá, là một món bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Sở dĩ chúng có tên là răng bừa bởi vì có hình dáng nhìn rất giống cái răng bừa. Theo chia sẻ của nhiều du khách thì bánh răng bừa chính là món ăn vặt Thanh Hoá rất đáng để bạn thử. Thức quà vặt này được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu đồng quê như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, gói trong lá chuối xanh. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng lại cho ra thứ bánh béo ngon, thơm nức mũi. Bánh răng bừa thì mềm vừa ăn, có nhân thịt đầy ắp bên trong và đừng quên chấm cùng ít nước mắm khi thưởng thức bạn nhé.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Làng bánh răng bừa: làng Ngọc Đô, xã Yên Ninh, Yên Định, Thanh Hóa
- Các khu chợ địa phương, các khu du lịch Thanh Hóa, phố ăn vặt Thanh Hoá,…
Chả tôm Thanh Hóa
Chả tôm là món ăn đặc sản Thanh Hoá mà những ai khi đến với vùng đất này đều phải thưởng thức ít nhất 1 lần. Chả tôm Thanh Hóa được làm từ nguyên liệu chính là tôm tươi biển Sầm Sơn rất giàu dinh dưỡng và khoáng chất. Tôm sau khi đánh bắt sẽ được làm sạch sẽ, đem giã nhuyễn bằng tay thay vì cho vào máy xay để giữ được độ ngọt và dai nhẹ của thịt tôm khi ăn. Một điểm khác biệt nữa của món chả tôm Thanh Hoá là sử dụng bánh phở để cuốn chứ không dùng bánh tráng. Sau khi cuốn xong thì đem nướng đến khi chín vàng đều là có thể ăn được. Nước mắm để ăn kèm món này là nước mắm chua ngọt, có thêm ít ớt xay, tỏi xay với đu đủ ngâm.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Quán chả tôm Thảo Mười: 14 Nhà Thờ, Trường Thi, Thanh Hoá. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 09:00 – 21:00
- Quán chả tôm bốn mùa Bà Thật: 9 Lê Thị Hoa, Lam Sơn, Thanh Hoá. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 15:00 – 21:00
- Quán chả tôm Cô Hồng: 61 Lý Thường Kiệt, Lam Sơn, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 14:00 – 17:00
Bánh khoái tép
Không phải là món ăn đặc sản cao sang gì, bánh khoái tép chinh phục thực khách bởi hương vị dân dã, thơm ngon. Mới nhìn thì bạn sẽ thấy hình dạng của bánh khoái tép Thanh Hóa khá giống với bánh xèo miền Nam tuy nhiên lại có một hương vị rất khác. Nguyên liệu chính để làm món bánh khoái tép là gạo tẻ, rau cần, bắp cải, hành… và đặc biệt là tép tươi. Tép làm bánh khoái phải là tép đồng tươi đang còn nhảy tanh tách rồi đem rửa sạch, ướp gia vị và xào chín. Gạo sau khi ngâm vừa đủ thì đem xay thành bột nước, rau cần thì bỏ lá chỉ dùng thân cắt khúc vừa ăn, bắp cải được thái sợi nhỏ. Những chiếc bánh khoái tép nóng hổi được ăn kèm cùng chén nước mắm ngon và dưa góp được làm từ đu đủ, cà rốt, sung…
Tham khảo một số địa chỉ:
- Quán bánh khoái tép Cô Tâm: 22 Đinh Lễ, Lam Sơn, Thanh Hoá. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 06:30 – 18:00
- Quán bánh khoái tép Bà Ly: 122 Đào Duy Từ, Ba Đình, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 08:00 – 22:00
- Quán bánh khoái tép Lý Đức – Nhà 13: 1 Đông Sơn, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 07:00 – 20:00
Bánh đúc sốt
Có thể nói bánh đúc sốt là một món ăn chỉ có ở xứ Thanh với hương vị riêng biệt và màu xanh ngọc nổi bật. Nó là thức quà vặt giản dị gắn liền với tuổi thơ của nhiều người sinh ra và lớn lên tại Thanh Hoá. Món bánh đúc sốt được làm từ bột gạo tẻ nấu với nước vôi trong, cho thêm chút hành phi và mỡ. Màu xanh của bánh là nhờ lấy lá rau ngót hoặc lá cải giã nhuyễn, chắt lấy nước cốt rồi hòa cùng với nồi bánh. Bánh được nấu trên lửa nhỏ, phải khuấy đều liên tục để không bị vón cục. Khi ăn thì lấy bánh ra bát, cho đậu xanh lên trên. Bánh đúc sốt luôn thơm phức mùi gạo tẻ, hành phi, đậu xanh cùng hương vị bùi béo khó tả. Bánh này phải ăn nóng thì mới ngon nhất, đặc biệt là trong những lúc trời se se lạnh.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Các xe đẩy dọc các con đường đường Lê Lợi, Đào Duy Từ,…ở Thanh Hoá
- Các khu chợ địa phương ở Thanh Hoá
Bánh nhè
Có một số món ăn vặt Thanh Hoá gây ấn tượng với du khách bởi cái tên nghe “vừa lạ, vừa ngộ”. Tiêu biểu như là món bánh nhè, là một thứ quà quê dân dã bình dị của xứ Thanh. Cho đến ngày nay cũng không ai biết bánh có tự bao giờ và vì sao lại có cái tên gọi độc đáo như vậy. Bạn sẽ thấy bánh nhè Thanh Hoá cũng khá tương tự món bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Nguyên liệu để làm bánh nhè là gồm có bột nếp xay mịn, đậu xanh, mật mía, gừng, dừa thái sợi, đường vàng và một ít nước lọc. Bao bọc bên ngoài là bột nếp mềm mịn, còn nhân bánh được làm từ đậu xanh tách vỏ, nấu chín và tán nhuyễn rồi trộn cùng với dừa tươi và đường.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Chợ Nam Thành: QL45, Tân Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Chợ Vườn Hoa: Lê Thị Hoa, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Bánh ích
Bánh ích là một loại bánh truyền thống của Thanh Hoá. Trước kia món bánh này không được gọi như vậy, mà có tên là Út ích, là do nàng Út – em của Lang Liêu làm ra. Tuy nhiên sau này, qua nhiều năm lưu truyền thì được biến tấu thành loại bánh ích này. Cách làm món bánh ích Thanh Hóa cũng khá đơn giản, phần quan trọng nhất chính là chọn bột. Bởi vì lớp bột bên ngoài có thơm, dẻo thì bánh mới ngon chuẩn vị. Nhân bánh có thể được làm bằng nhân đậu hoặc thịt tùy thuộc vào khẩu vị. Bánh được nặn thành những hình nhỏ, đem hấp chín. Khi ăn sẽ có rắc lên một lớp tôm khô được xay nhỏ, hành lá cắt nhỏ và chan nước mắm chua ngọt. Vị dẻo thơm của nếp kết hợp với vị bùi bùi của đậu xanh, cùng nước chấm đậm đà giúp cho món bánh ích giản dị của người Thanh Hoá trở nên đặc biệt và thơm ngon khó quên.
Tham khảo một số địa chỉ:
- Quán Cô Mai: Chợ Tân An – Tân Bình, Lê Vãn, Thanh Hoá. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 08:00 – 17:00
- Chợ Vườn Hoa: Lê Thị Hoa, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
Ốc mút
Ốc hút hay ốc mút là tên gọi mà người dân Thanh Hoá dùng để chỉ loại ốc len rất ngon. Những quán bán thường nhập hàng về cả bao tải to ốc len, được bắt ở vùng ven biển Thanh Hóa cũng như có nuôi ở một số nơi. Để nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì sau khi mua về, ốc được ngâm trong chậu nước to cùng ớt tươi khoảng tầm 1 – 2 ngày để cho ốc nhả hết bùn. Sau đó rửa sạch, vớt ốc lên người ta đem phơi dưới nắng nhẹ để mùi bùn trong ốc bay ra. Vị đậm đà của ốc được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng, cùng mùi sả ớt thơm nức mũi sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai mới lần thưởng thức món ốc mút này. Một số món ốc ngon mà giới trẻ Thanh Hoá rất thích ăn đó là: ốc mút (ốc len), ốc khều (ốc mít, ốc đá, ốc mỡ) và ốc biển (ốc giáo).
Tham khảo một số địa chỉ:
- Quán ốc 13 Bến Ngự: 13 Bến Ngự, Lam Sơn, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 09:00 – 23:00
- Quán ốc À Ừ Nhỉ: Kiot 4.5.6 đường Bà Triệu, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 09:00 – 23:00
- Quán ốc Ngon: 100 Thôi Hữu, Ngọc Trang, Thanh Hoá. Giờ hoạt động: hàng ngày, từ 09:00 – 22:00
Không quá cao sang nhưng các món ăn vặt Thanh Hoá đều là những thức quà quê được làm tỉ mỉ, công phu từ chính người dân hiền hoà của mảnh đất này. Nếu được một lần ghé qua vùng đất xứ Thanh thì bạn nhớ thưởng thức những món ăn, món đặc sản địa phương nhé. Chắc chắn với hương vị hấp dẫn, quyến rũ sẽ khiến bạn mê mẩn ngay khi vừa ăn miếng đầu tiên.